Người Trung Quốc chia rẽ vì thoả thuận ngầm của Apple

Trung QuốcNhiều người cho rằng Apple đã đánh đổi quyền riêng tư của người dùng lấy lợi ích kinh tế, nhưng số khác cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng.

Báo cáo mới đây của New York Times cho biết,Apple đã nhượng bộ quyền riêng tư và bảo mật để được sản xuất, kinh doanh các thiết bị của mình ở Trung Quốc. “Thoả thuận ngầm” này xuất phát từ luật An ninh mạng của Trung Quốc, yêu cầu tất cả thông tin cá nhân và dữ liệu được thu thập ở nước này không được lưu trữ ở bên ngoài.

“Chính sách của Apple tại Trung Quốc hoàn toàn đi ngược các tiêu chuẩn về quyền riêng tư nghiêm ngặt ở Mỹ”, New York Times bình luận. Theo đó, thay vì lưu trữ dữ liệu tại Mỹ, Apple cho phép một công ty có trụ sở tại Trung Quốc tên Guizhou-Cloud Big Data (GCBD) sở hữu và vận hành máy chủ iCloud. Điều này đồng nghĩa chính quyền Bắc Kinh có quyền yêu cầu truy cập dữ liệu khách hàng của Apple thông qua GCBD.

Mặt trước một trung tâm dữ liệu mới được Apple xây dựng tại Trung Quốc. Ảnh: New York Times.
Mặt trước một trung tâm dữ liệu mới được Apple xây dựng tại Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Thông tin lập tức trở thành chủ đề được bàn tán khắp các diễn đàn công nghệ Trung Quốc. “Apple cuối cùng đã chịu cúi đầu trước Bắc Kinh”, Wang Zhouda, blogger công nghệ nổi tiếng trên Weibo viết.

Không ít người dùng iPhone tỏ ra thất vọng với thông tin này. “Chúng tôi mua đồ Apple vì họ cam kết bảo vệ tối đa quyền riêng tư, không cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ. Nhưng thoả thuận ngầm này chẳng khác gì Apple đã đánh đổi lợi ích của người dùng lấy lợi ích của mình”, Xiao Meng bình luận. Một số người khác lo lắng về việc chính phủ có thể truy cập bất kỳ lúc nào vào kho dữ liệu người dùng. Tài khoản Tao Liang viết: “Nếu ngay từ đầu họ nói dữ liệu thu thập có thể được cung cấp cho chính quyền, người dùng sẽ hạn chế chia sẻ thông tin tiêng tư một cách ‘ngây thơ’. Chúng tôi có cảm giác mình bị lừa dối rất nhiều”.

Tuy nhiên, vẫn có những người cảm thấy thích thú với việc Apple phải “cúi đầu” trước Bắc Kinh”. “Đây là minh chứng cho thấy những tập đoàn phương Tây muốn tồn tại ở Trung Quốc phải tuân theo luật lệ ở đây. Các hãng khác nên nhìn đó mà làm gương”, tài khoản Gan Da Zai viết. Một số người khác kể lại câu chuyện Apple đã từ chối giúp FBI mở khoá một chiếc iPhone để phục vụ điều tra trong khi họ phải “âm thầm” thoả hiệp với chính phủ Trung Quốc để được làm ăn.

Đáp lại những phản ứng trái chiều của người dùng, Apple khẳng định “không bao giờ xâm phạm” đến quyền riêng tư, dữ liệu của người dùng Trung Quốc hoặc bất kỳ thị trường nào.

Để trấn an người dùng nước này, Apple khẳng định họ vẫn kiểm soát mã khoá bảo vệ dữ liệu của khách hàng ở Trung Quốc. Trung tâm dữ liệu đặt tại Trung Quốc cũng đang dùng công nghệ mã hóa tiên tiến nhất hiện nay, nó thậm chí còn tiên tiến hơn những gì Apple sử dụng ở quốc gia khác.

Về phía chính quyền Trung Quốc, trong họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao hôm 18/5, khi được đặt câu hỏi về GCBD và thoả thuận ngầm của Apple với Bắc Kinh, Zhao Lijian – người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, nói: Thứ nhất, các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp và quy định của chính quyền sở tại. Thứ hai, luật pháp Trung Quốc đã quy định rõ ràng việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức, bao gồm bảo mật dữ liệu và thông tin cá nhân. Cuối cùng, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng lưu ý về nguy cơ dữ liệu người dùng Trung Quốc bị rơi vào tay quốc gia khác, đó là lý do Apple phải đặt máy chủ iCloud tại Trung Quốc và do một công ty trong nước quản lý.

Thiên An

Nguồn : vnexpress.net