Hollywood sẵn sàng cho kỷ nguyên mới của điện ảnh

Sau khi diễn viên Paul Walker đột ngột qua đời trong thời gian quay Fast & Furious 7, đoàn làm phim đã nhờ tới công nghệ để “hồi sinh” nam diễn viên.

Khuôn mặt được chụp ở độ phân giải cao và đầy đủ các góc cạnh của hai người em trai Caleb và Cody Walker của Paul Walker được gửi tới Đại học Nam California (USC) để tạo ra một lớp mặt nạ kỹ thuật số chồng lên diễn viên Paul Walker trong hàng trăm cảnh quay hoàn chỉnh.

Đại dịch đã làm thay đổi nền sản xuất phim với ứng dụng của các công nghệ mới. Ảnh: Telegraph.

Đại dịch đã làm thay đổi nền sản xuất phim với ứng dụng của các công nghệ mới. Ảnh: Telegraph.

“Các cảnh phim trông thật tuyệt vời. Bạn sẽ không thể phân biệt được sự khác biệt”, Kathleen Haase, Giám đốc các dự án đặc biệt tại Viện công nghệ sáng tạo thuộc USC và là nhà sản xuất của Maleficent, Logan và bản remake phim Point Break năm 2015, cho biết.

Được tài trợ một phần bởi quân đội Mỹ, phòng thí nghiệm của cô đã thu hút các ngôi sao hạng A của Hollywood, như Will Smith, Hugh Jackman, Angelina Jolie, tìm đến để hoàn thiện phiên bản kỹ thuật số của mình trong phim. Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 bùng phát, yêu cầu từ các studio phim đã tăng đột biến.

Công nghệ sao chép khuôn mặt kỹ thuật số của USC chỉ là một ví dụ trong hàng trăm công nghệ và phương pháp mới có thể biến đổi điện ảnh và truyền hình trong vài thập kỷ tới. Trong thời kỳ hạn chế đi lại vì dịch bệnh, các studio phim lớn tại Hollywood tìm đủ mọi cách để quá trình quay không bị gián đoạn.

Ben Grossmann, người đứng đầu studio hiệu ứng hình ảnh Magnopus ở Los Angeles, cho biết: “Có rất nhiều xu hướng trong ngành đã đạt được tiến bộ nhờ vào những đột phá về công nghệ. Nhưng Hollywood vẫn chưa thực sự quan tâm đến nó cho đến khi đại dịch xảy ra, và họ thực sự không còn lựa chọn nào khác”.

“Chúng tôi đã chứng kiến nhu cầu về những công nghệ làm phim mới tăng đột biến trong đại dịch. Những kỹ thuật này đã được chứng minh là cần thiết, nhưng có lẽ sẽ gặp phải những trở ngại liên quan tới ngân sách và hậu cần thậm chí sau khi đại dịch qua đi”, Grossmann nói.

Hợp tác xuyên biên giới

Mặc dù các biện pháp phòng dịch vẫn có thể là bắt buộc ở nhiều quốc gia trong năm 2021, ít người để ý tới chúng khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong ngành công nghiệp điện ảnh, xu hướng rời các cuộc họp lên môi trường trực tuyến và quay phim từ xa khả năng sẽ tiếp tục phổ biến.

Henri Dragonas, một nhà sản xuất chuyên về quảng cáo truyền hình, cho biết: “Trước kia, việc trực tiếp làm việc với nhau ở cùng một địa điểm là điều bắt buộc với ngành làm phim. Công nghệ giúp quá trình giao tiếp trở nên quá hiệu quả và thay đổi cán cân quyền lực giữa các giám đốc và những đạo diễn, diễn viên”.

Kathryn Arnold, một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn giải trí, cho biết một số cuộc thi tìm kịch bản xuất sắc sẽ được tổ chức trực tuyến, cho phép nhiều sự hợp tác xuyên biên giới hơn.

Các bộ phim cũng sẽ được thực hiện trải dài theo thời gian và không gian, với các địa điểm được quay trong môi trường thực tế ảo (VR), máy quay được điều khiển từ xa bởi đạo diễn, kỹ thuật viên điều chỉnh nền máy tính từ xa và các diễn viên được ghép lại với nhau từ nhà riêng của mình. Ngôi sao của series phim Handmaid’s Tale, Elisabeth Moss đã hàn thành nhiều cảnh phim dù bị cách ly tại nhà bằng cách sử dụng một bộ dụng cụ làm phim ảo.

Dragonas dự đoán những phương pháp này sẽ giúp xoa dịu xung đột trong khâu hậu cần, vốn là đặc trưng của ngành điện ảnh, cho phép các diễn viên tài năng nhanh chóng sắp xếp lịch trình của họ mà không cần ở cùng một quốc gia. Ngoài ra, họ cũng có thể giúp các công ty như Netflix đạt được mục tiêu khí hậu của mình. “Gã khổng lồ” phát trực tuyến cuối tháng 3 vừa qua cam kết giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030 nhằm vận hành các sản phẩm phim và truyền hình thân thiện với môi trường hơn.

‘Làm phim giống chơi game nhiều người chơi’

Sự thay đổi sâu sắc nhất có thể đến từ phương pháp “sản xuất phim ảo” nhằm kết hợp tài năng của những diễn viên với sức mạnh tính toán của máy tính. Grossmann, người đã giám sát bản remake năm 2019 của phim Lion KingJungle Book 2016, mô tả ứng dụng của các công cụ làm game như Unity hay Unreal của Fortnite trong quá trình hiển thị các nhân vật đồ họa máy tính và hình nền cho dàn diễn viên và đoàn làm phim tại thời điểm quay phim, thay vì tốn nhiều công sức đưa họ vào sau nhiều tháng hậu kỳ.

Grossmann nói: “Quá trình này khiến làm phim giống chơi một game nhiều người chơi. Trong thời kỳ đại dịch, một đoàn làm phim có thể hoạt động bình thường, điều khiển thiết bị làm phim từ một nơi và không phải tiếp xúc với các diễn viên ở một trường quay khác. Điều giờ chúng ta mới nhận ra là các nhà làm phim, các diễn viên và đoàn làm phim có thể ở các tiểu bang hoặc các quốc gia khác nhau”.

The Midnight Sky được quay trước màn hình LCD tại Shepperton Studios ở Surrey. Ảnh: Philippe Antonello.

The Midnight Sky được quay trước màn hình LCD tại Shepperton Studios ở Surrey. Ảnh: Philippe Antonello.

Đối với Lion King, các thành viên trong đoàn đã dùng thiết bị VR và cùng nhau dựng cảnh trước khi thực hiện. “Ồ, không, hãy xem cái cây ở đây; con sư tử đó nên ở đây”, Hanse nói, mô tả quá trình làm phim mới lạ. Một series cũng có cách quay phim đáng chú ý đó là The Mandalorian của Disney. Trong quá trình thực hiện các cảnh quay, diễn viên sẽ diễn trước những màn hình LCD khổng lồ trông giống thật khi quay, tạo ra cái mà Grossmann ví như một môi trường thực tế ảo “holodeck” kiểu Star Trek.

Vương quốc Anh có vị trí thuận lợi để trở thành trung tâm cho những tác phẩm như vậy. Bộ phim gần đây của George Clooney, The Midnight Sky được quay trước màn hình LCD tại Shepperton Studios ở Surrey, trong khi Epic Games đang dồn nguồn lực vào đơn vị điện ảnh ở London.

Các phông nền ảo này có thể được thay đổi trên phim trường giống các diễn viên và đạo diễn có thể sửa đổi kịch bản giữa các cảnh quay. Trong khi các ngôi sao của Jurassic World năm 2015 phải diễn trước những con thú bông màu xanh, các diễn viên hiện tại có thể đơn giản nhìn thấy những gì xuất hiện y như thật.

‘Vòng xoáy công nghệ’ của Hollywood

Về lâu dài, công nghệ phông nền ảo cùng không cần thiết. Công nghệ quét khuôn mặt của USC thực sự chỉ là một sản phẩm phụ nằm trong mục tiêu thực sự – tạo ra “con người kỹ thuật số” với trí tuệ nhân tạo để tương tác linh hoạt với người thật. Điều đó sẽ cho phép các studio nhỏ và các nhà sản xuất trò chơi điện tử hoàn thành các dự án đang đòi hỏi hàng chục nghệ sĩ với tốc độ nhanh và chi phí thấp.

“Chúng tôi đang nói đến việc thay thế diễn viên bằng công nghệ”, Haase nói. “Chúng ta gần như không cần diễn viên nữa. Nếu bạn muốn làm một bộ phim với tất cả diễn viên đã qua đời, bạn có thể làm điều đó. Điều duy nhất cản trở bạn là trí tưởng tượng. Bạn có thể tạo ra mọi thứ trong máy tính theo đúng nghĩa đen, và các hiệu ứng ngày càng khó nhận biết”.

Đó chính xác là điều mà nhiều studio hiện nay đang nghĩ đến. Haase nói rằng đại dịch đã kéo họ vào một “vòng xoáy công nghệ”, buộc họ phải nghĩ về những “cú sốc” không thể đoán trước trong tương lai. Một cú sốc như vậy có thể là sự phát triển cho phép việc trải nghiệm tương tác với các nhân vật trong phim được hỗ trợ bởi AI.

Đương nhiên, mục tiêu của Hollywood là tiền. Các studio ở đây đang tìm kiếm những cách mới để tạo ra nội dung và kiếm tiền từ đó. Haase nói. “Bộ phim đó có thể liên quan đến các nhân vật Marvel, hoặc có thể liên quan đến các nhân vật trong Harry Potter. Hoặc nó không phải là một bộ phim; nó là một cái gì đó mới”.

Đăng Thiên (theo Telegraph)

Nguồn : vnexpress.net