Petrovietnam hoàn thành 94% kế hoạch lợi nhuận sau 4 tháng

Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2021, Petrovietnam lãi hơn 15.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần kế hoạch 4 tháng và bằng 94% kế hoạch năm.

Phát biểu tại cuộc họp giao ban định kỳ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết, sản lượng khai thác quy dầu tháng 4 vượt 7% kế hoạch. Lũy kế 4 tháng, sản lượng khai thác quy dầu vượt 1% kế hoạch.

Kết quả tài chính của tập đoàn có khởi sắc. Cụ thể, lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, doanh thu hợp nhất ước đạt 124,42 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch 4 tháng và bằng 35% kế hoạch năm, tăng 47% so với cùng kỳ. Tổng số nộp ngân sách của toàn tập đoàn 4 tháng 2021 ước đạt 27,5 nghìn tỷ đồng, vượt cao so với kế hoạch 4 tháng cũng như cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 4 tháng ước đạt 15,42 nghìn tỷ đồng, gấp 2,5 lần kế hoạch 4 tháng và bằng 94% kế hoạch năm, gấp 2,46 lần so với cùng kỳ.

Đại diện Petrovietnam cho biết, các đơn vị trong tập đoàn đều giữ nhịp độ sản xuất kinh doanh ổn định. Trong đó, 17/22 đơn vị có lợi nhuận, nhiều đơn vị đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Công tác an ninh, an toàn dầu khí, an toàn môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ trên các công trình dầu khí được giám sát và thực hiện nghiêm túc.

Ngoài ra, trong bối cảnh giá dầu diễn biến thuận lợi, Petrovietnam chủ trương đẩy sản lượng khai thác dầu bù đắp sản lượng khí thấp do huy động của thị trường kém.

Công nhân bảo dưỡng

Công nhân bảo dưỡng chân đế dàn Mộc Tinh. Ảnh: PVN

Ngày 7/4, Fitch Ratings nâng triển vọng xếp hạng của Petrovietnam từ “Ổn định” lên “Tích cực” và đánh giá mức xếp hạng hồ sơ tín dụng độc lập (SCP) của Petrovietnam ở mức “BB+”, xếp hạng tín nhiệm nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) ở mức “BB”.

Theo lãnh đạo tập đoàn, đánh giá này ghi nhận những kết quả của Petrovietnam trong ứng phó hiệu quả với tác động kép của đại dịch Covid-19 và suy giảm giá dầu trong năm 2020.

“Trong bối cảnh các công ty dầu khí thế giới khó khăn, Petrovietnam cơ bản hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đóng góp cho ngân sách trên 83.000 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục gia tăng trữ lượng đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai”, đại diện lãnh đạo tập đoàn chia sẻ.

Cán bộ công nhân viên nhà máy đạm Phú Mỹ tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn lao động. Ảnh: PVN

Cán bộ công nhân viên nhà máy đạm Phú Mỹ tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn lao động. Ảnh: PVN

Tại cuộc họp giao ban, đại diện tập đoàn cho biết, các dự án đầu tư của Petrovietnam tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Công tác quản trị danh mục đầu tư của tập đoàn và đơn vị thành viên nhận được một số kết quả khả quan. Công tác đánh giá dự án, cơ hội đầu tư có chất lượng và hệ thống hơn trước, hướng tới mục tiêu quản trị danh mục đầu tư trong tập đoàn, giúp Petrovietnam phát triển bền vững theo định hướng chiến lược.

Qua báo cáo của các đơn vị, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cùng ban điều hành đã phân tích, đánh giá và chỉ đạo giải quyết các vướng mắc. Trong đó, có chỉ đạo khối thăm dò khai thác tập trung đảm bảo an toàn; tiếp tục có giải pháp để chặn đà suy giảm và gia tăng sản lượng khai thác, đồng bộ với việc gia tăng trữ lượng; tiếp tục rà soát chi phí, tăng cường quản trị để giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả khai thác. Các doanh nghiệp phân bón tận dụng cơ hội thị trường thuận lợi đẩy mạnh sản xuất, tăng khả năng tiêu thụ khí…

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định, trong 4 tháng đầu năm tập đoàn đã đảm bảo an toàn, ổn định, thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nhân viên kỹ thuật tại PV Power Hà Tĩnh. Ảnh:

Nhân viên kỹ thuật tại PV Power Hà Tĩnh. Ảnh: PVN

Để phát huy kết quả đạt được và ứng phó với Covid-19, ông Lê Mạnh Hùng chỉ đạo các đơn vị, một là tập trung đánh giá các rủi ro, biến động của tình hình dịch bệnh để cập nhật, triển khai các giải pháp ứng phó, cũng như định hướng quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Hai là rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong quý II và nỗ lực thực hiện các phần việc còn tồn đọng của quý I; tiếp tục theo dõi, đánh giá các yếu tố vĩ mô, tình hình tỷ giá, lạm phát để đánh giá các nguồn lực tài chính của tập đoàn; tập trung đảm bảo sản xuất ổn định, an toàn, hiệu quả, sẵn sàng tận dụng các cơ hội thị trường. Ba là tối ưu chi phí, phân tích biến động chi phí và biến động doanh thu để có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động; tiếp tục tăng cường hiện thực hóa các chuỗi liên kết trong toàn tập đoàn…

Hiện, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Các đơn vị trong toàn tập đoàn đang theo dõi chặt chẽ, chuẩn bị sẵn sàng và đảm bảo các giải pháp ứng phó theo các kịch bản khác nhau, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đảm bảo an toàn, ổn định, không gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phúc An

Nguồn : vnexpress.net